Add parallel Print Page Options

Thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc

Mên-chi-xê-đéc là vua Xa-lem và là thầy tế lễ của Thượng Đế Chí Cao. Ông ra đón Áp-ra-ham lúc Áp-ra-ham trở về sau khi chiến thắng các vua. Lúc hai người gặp nhau, Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ra-ham, còn Áp-ra-ham dâng cho vua một phần mười của các món cướp được từ quân giặc. Trước hết, tên Mên-chi-xê-đéc nghĩa là “vua nhân đức” và là vua của Xa-lem, nghĩa là “vua hòa bình.” Không ai biết gốc gác Mên-chi-xê-đéc, [a] hoặc ông từ đâu đến, sinh ra khi nào hoặc chết lúc nào. Mên-chi-xê-đéc giống như Con Thượng Đế. Ông làm thầy tế lễ đời đời.

Như vậy anh chị em thấy Mên-chi-xê-đéc cao trọng đến mức nào vì Áp-ra-ham, tổ phụ đáng kính của chúng ta dâng cho vua một phần mười những chiến lợi phẩm. Luật pháp buộc những người thuộc chi tộc Lê-vi đang giữ chức tế lễ thu một phần mười từ dân chúng—tức đồng bào mình—mặc dù cả thầy tế lễ và dân chúng đều cùng thuộc gia đình Áp-ra-ham. Mên-chi-xê-đéc không thuộc chi tộc Lê-vi nhưng ông lại thu một phần mười từ Áp-ra-ham. Ông chúc phước cho Áp-ra-ham là người nhận được lời hứa của Thượng Đế. Ai cũng biết rằng người bậc trên chúc phước cho kẻ bậc dưới là lẽ đương nhiên. Các thầy tế lễ thu một phần mười dù rằng họ cũng chỉ là người sống rồi cũng chết. Nhưng Mên-chi-xê-đéc, người nhận được một phần mười từ Áp-ra-ham, sống mãi, theo như Thánh Kinh ghi. Chúng ta cũng có thể nói Lê-vi, người nhận một phần mười, cũng đã trả một phần mười qua Áp-ra-ham khi Áp-ra-ham dâng một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc. 10 Mặc dù khi Mên-chi-xê-đéc ra đón Áp-ra-ham thì Lê-vi lúc ấy chưa sinh ra vì còn ở trong lòng của tổ tiên.

11 Dân chúng được ban cho luật pháp [b] dựa trên một hệ thống thầy tế lễ thuộc chi tộc Lê-vi, nhưng họ không thể nhờ hệ thống ấy mà trở nên toàn thiện cho nên phải cần một thầy tế lễ khác, giống như Mên-chi-xê-đéc chứ không như A-rôn. 12 Và khi một loại thầy tế lễ khác đến thì luật pháp cũng phải thay đổi. 13 Những điều nầy chỉ về Chúa Cứu Thế. Ngài thuộc về một chi tộc khác. Chưa có ai thuộc chi tộc ấy phục vụ chức tế lễ nơi bàn thờ cả. 14 Hiển nhiên là Chúa chúng ta xuất thân từ chi tộc Giu-đa. Mô-se không hề đề cập đến các thầy tế lễ thuộc chi tộc ấy.

Chúa Giê-xu giống Mên-chi-xê-đéc

15 Điểm nầy sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta thấy một thầy tế lễ sẽ đến giống như Mên-chi-xê-đéc. 16 Ngài được lập làm tế lễ không phải theo qui tắc và luật pháp loài người, căn cứ vào gia thế nhưng qua quyền năng của đời sống Ngài, là một đời sống còn mãi mãi. 17 Có lời viết về Ngài như sau, “Con làm thầy tế lễ đời đời, như Mên-chi-xê-đéc.” [c]

18 Qui tắc cũ được gác qua một bên vì yếu kém và vô dụng. 19 Luật pháp Mô-se không thể làm cho điều gì toàn thiện được. Nhưng nay chúng ta được ban cho một hi vọng tốt hơn và nhờ hi vọng ấy chúng ta có thể đến gần Thượng Đế.

20 Điều nầy quan trọng đến nỗi Thượng Đế phải thực hiện bằng lời thề. Các thầy tế lễ khác lãnh chức vụ mà không cần lời thề. 21 Nhưng Chúa Cứu Thế trở thành thầy tế lễ bằng lời thề của Thượng Đế. Ngài phán:

“Chúa đã thề và sẽ không đổi ý.
    ‘Con làm thầy tế lễ đời đời.’” (A)

22 Điều nầy có nghĩa là Chúa Giê-xu là sự bảo đảm về một giao ước tốt hơn do Thượng Đế kết lập với dân sự Ngài.

23 Khi một trong những thầy tế lễ qua đời thì chức vụ của thầy tế lễ ấy bị gián đoạn nên cần có nhiều thầy tế lễ. 24 Nhưng Chúa Giê-xu sống mãi cho nên bao giờ Ngài cũng giữ chức tế lễ. 25 Nghĩa là lúc nào Ngài cũng có quyền cứu những người đến cùng Thượng Đế qua Ngài, vì Ngài luôn luôn sống để nài xin Thượng Đế giúp họ.

26 Chúa Giê-xu chính là thầy tế lễ mà chúng ta cần. Ngài thánh thiện, không tội lỗi, trong sạch, không bị tội nhân ảnh hưởng và trổi cao hơn các từng trời. 27 Ngài không như các thầy tế lễ khác phải dâng sinh tế mỗi ngày, trước vì tội mình, sau vì tội dân chúng. Chúa Cứu Thế dâng chính mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả. 28 Luật pháp chọn lựa các thầy tế lễ tối cao là những người bất toàn như mọi người nhưng lời thề của Thượng Đế đến sau khi có luật pháp. Lời ấy lập Con Thượng Đế làm thầy tế lễ tối cao, và Con ấy là Đấng toàn thiện đời đời.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 7:3 Không ai biết gốc gác Mên-chi-xê-đéc Nguyên văn, “Mên-chi-xê-đéc không cha, không mẹ, không gia phổ.”
  2. Hê-bơ-rơ 7:11 Dân chúng … luật pháp Đây nói về dân Ít-ra-en được ban cho luật pháp của Mô-se.
  3. Hê-bơ-rơ 7:17 Con làm … Mên-chi-xê-đéc Thi 110:4.

Tư Tế Mên-chi-xê-đéc

Vua Mên-chi-xê-đéc ở Sa-lem này là tư tế của Ðức Chúa Trời Tối Cao, là người đã ra nghinh đón Áp-ra-ham và chúc phước cho ông, sau khi ông đánh bại[a] các vua trở về. Áp-ra-ham đã lấy một phần mười của mọi chiến lợi phẩm chia cho vua ấy. Trước hết tên của vua là “Mên-chi-xê-đéc,” có nghĩa là “Vua Công Chính,” và cũng là vua của Sa-lem, có nghĩa là “Vua Hòa Bình.” Vua không cha, không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày chết, nhưng giống như Con Ðức Chúa Trời, vua cứ làm tư tế đời đời.

Hãy xem, vua ấy cao trọng biết bao! Ngay cả tổ phụ Áp-ra-ham mà còn dâng một phần mười các chiến lợi phẩm cho vua ấy.

Các con cháu của Lê-vi, hễ ai nhận được chức vụ làm tư tế thì cứ theo điều lệ đã quy định trong Luật Pháp được quyền nhận một phần mười từ dân, tức từ các anh chị em của họ, dù họ cũng ra từ lòng Áp-ra-ham. Nhưng vua ấy, không thuộc về dòng tộc của họ, lại nhận một phần mười từ Áp-ra-ham, và vua ấy đã chúc phước cho ông, là người có lời hứa. Người bậc thấp được người bậc cao chúc phước là điều không ai thắc mắc. Ðàng này những tư tế nhận một phần mười là những phàm nhân phải qua đời, nhưng đàng kia, vua ấy lại được làm chứng là còn đang sống. Có thể nói rằng, qua Áp-ra-ham, ngay cả Lê-vi, người đã nhận một phần mười, cũng đã dâng một phần mười cho vua ấy, 10 vì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ ông khi Mên-chi-xê-đéc ra đón gặp tổ phụ ông.

11 Vậy nếu nhờ chức vụ tư tế của người Lê-vi mà người ta được trở nên trọn vẹn –vì dân nhận được Luật Pháp trên căn bản của chức vụ tư tế ấy– thì tại sao cần phải dấy lên một tư tế khác theo dòng Mên-chi-xê-đéc, mà không là một người theo dòng A-rôn? 12 Vì khi có sự thay đổi về dòng tư tế, thì cũng cần phải thay đổi trong Luật Pháp.

Chức Vụ Tư Tế của Ðấng Christ Cao Trọng Hơn Chức Vụ Tư Tế của A-rôn

13 Về Ðấng mà những điều này luận đến lại thuộc về một chi tộc khác, một chi tộc chưa có ai được phục vụ nơi bàn thờ. 14 Vì rõ ràng rằng Chúa chúng ta đã xuất thân từ dòng dõi Giu-đa, mà về chi tộc ấy, Môi-se không nói chi về chức vụ tư tế cả.

15 Ðiều đó càng rõ ràng hơn khi một vị tư tế khác tương tự như Mên-chi-xê-đéc dấy lên, 16 Ðấng ấy không trở thành tư tế dựa trên những quy định trong Luật Pháp về huyết thống, nhưng dựa trên quyền năng của sự sống bất diệt. 17 Vì Ngài đã được chứng rằng,

“Con làm tư tế đời đời,
Theo dòng Mên-chi-xê-đéc.”Thi 110:4

18 Như vậy trong một phương diện, điều răn trước kia đã bị bãi bỏ vì bất lực và vô dụng 19 (bởi Luật Pháp chẳng làm ai trở nên trọn vẹn), nhưng một phương diện khác, một hy vọng tốt hơn đã được đưa vào thay thế; nhờ hy vọng ấy chúng ta được đến gần Ðức Chúa Trời.

20 Ðiều ấy không phải là không có lời thề xác định. 21 Vì những vị kia trở thành tư tế thì không cần lời thề, nhưng Ngài thì có một lời thề được lập bởi Ðấng đã nói với Ngài,

“Chúa đã thề và sẽ không đổi ý của Ngài,
‘Con làm tư tế đời đời.’”Thi 110:4

22 Theo lời thề ấy thì Ðức Chúa Jesus đã trở thành người bảo đảm cho một giao ước tốt hơn. 23 Ngoài ra có nhiều người đã trở thành tư tế, bởi vì sự chết ngăn trở họ tiếp tục chức vụ, 24 nhưng Ngài thì tồn tại đời đời, nên Ngài có một chức vụ tư tế vĩnh viễn. 25 Do đó Ngài có thể cứu hoàn toàn những ai nhờ Ngài mà đến gần Ðức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

26 Thật vậy chúng ta cần có một Vị Thượng Tế như thế, một Ðấng thánh khiết, vô tội, trong sạch, tách biệt khỏi những kẻ tội lỗi, và được cất lên cao hơn các tầng trời; 27 một Ðấng không có nhu cầu hằng ngày như bao nhiêu vị thượng tế khác, tức dâng con vật hiến tế chuộc tội cho mình và cho dân, vì Ngài đã dâng chính Ngài một lần đủ cả. 28 Vì Luật Pháp lập những con người yếu đuối làm những thượng tế, nhưng lời thề đến sau Luật Pháp thì đã lập Con, Ðấng đã được làm cho trọn vẹn đời đời.

Footnotes

  1. Hê-bơ-rơ 7:1 nt: tàn sát

Mên-chi-xê-đéc

Mên-chi-xê-đéc này là vua của Sa-lem, vị thượng tế của Đức Chúa Trời chí cao, đã đi đón và chúc phước cho Áp-ra-ham khi người chiến thắng các vua trở về. Áp-ra-ham dâng cho vua một phần mười mọi vật. Trước hết, tên Mên-chi-xê-đéc có nghĩa là vua công chính, cũng là vua của Sa-lem nghĩa là vua hòa bình. Người không cha, không mẹ, không gia phả, không có ngày sinh ngày tử; như Con Đức Chúa Trời, làm thượng tế đời đời.

Thử nghĩ xem tổ Áp-ra-ham đã dâng phần mười chiến lợi phẩm cho vua thì vua vĩ đại biết bao! Một mặt Kinh Luật quy định cho các vị tế lễ con cháu Lê-vi được thu phần mười của dân chúng, tức là anh chị em mình dù họ cũng là hậu tự Áp-ra-ham. Mặt khác, Mên-chi-xê-đéc dù không phải dòng họ Lê-vi nhưng được thu phần mười của Áp-ra-ham và chúc phước cho ông là người có lời hứa. Người nhỏ được người lớn hơn chúc phước là việc dĩ nhiên. Trong trường hợp này, những người thu nhận phần mười cũng đều là người phàm phải chết cả. Trong trường hợp kia, người ấy được chứng nhận là vẫn còn sống. Vậy, có thể nói Lê-vi, người được thu phần mười sau này đã dâng phần mười qua Áp-ra-ham, 10 vì khi Mên-chi-xê-đéc gặp Áp-ra-ham, Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ.

11 Nếu có thể nhờ chức vị tế lễ của Lê-vi mà được toàn hảo, vì trên căn bản tế lễ ấy Kinh Luật đã được ban hành cho dân chúng, thì tại sao còn cần một vị tế lễ khác dấy lên theo dòng Mên-chi-xê-đéc chứ không theo dòng A-rôn? 12 Vì đã thay đổi chức vị tế lễ thì cũng buộc phải thay đổi Kinh Luật. 13 Đấng được những lời trên nói đến lại thuộc về một bộ tộc khác, trong bộ tộc ấy không có ai dự phần tế lễ nơi bàn thờ. 14 Rõ ràng Chúa chúng ta xuất thân từ bộ tộc Giu-đa, một bộ tộc không được Môi-se nói gì về chức tế lễ. 15 Vấn đề càng thêm hiển nhiên nếu có một vị tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc xuất hiện, 16 được lập làm vị tế lễ không căn cứ theo luật lệ, điều răn của thể xác nhưng theo quyền năng sự sống bất diệt.

17 Vì có lời xác chứng:

“Con làm vị tế lễ đời đời
    Theo dòng Mên-chi-xê-đéc.”

18 Luật lệ cũ bị phế bỏ vì yếu kém, vô hiệu. 19 Vì Kinh Luật không làm cho điều gì toàn hảo được cả nên một niềm hy vọng tốt hơn được giới thiệu, nhờ đó chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời.

20 Hơn nữa, còn có lời thề. Các vị tế lễ khác nhậm chức chẳng có lời thề, 21 nhưng Ngài được lập làm vị tế lễ với lời thề khi Đức Chúa Trời bảo Ngài:

“Chúa đã thề
    Và không bao giờ đổi ý
Con làm vị tế lễ đời đời…”

22 Vì lời thề đó, Đức Giê-su trở thành đấng bảo đảm cho một giao ước tốt hơn.

23 Mặt khác, số vị tế lễ thật nhiều, vì phải chết nên không thể nào tiếp tục nhiệm vụ. 24 Còn Đức Giê-su tồn tại đời đời nên giữ chức vị tế lễ mãi mãi. 25 Do đó, Ngài có thể cứu rỗi hoàn toàn những người nhờ Ngài mà đến với Đức Chúa Trời vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.

26 Để thích hợp với chúng ta thì phải là một vị thượng tế như thế, một đấng thánh khiết, toàn thiện, không ô uế, tách biệt với những người tội lỗi, vượt cao hơn các tầng trời; 27 không giống các thượng tế khác cần phải hằng ngày dâng các sinh tế trước vì tội mình, sau vì tội dân. Ngài làm việc này một lần đủ cả, dâng hiến chính bản thân làm sinh tế. 28 Vì Kinh Luật cứ lập những người yếu kém làm thượng tế, nhưng lời thề đến sau Kinh Luật thì lập Con Ngài làm thượng tế, là Đấng được toàn hảo đời đời.